Trong chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Chiến dịch Biên giới 1950 là một trong những chiến công vang dội. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn mà còn khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta.
Quyết tâm chiến lược của Đảng
Tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Mục đích của Chiến dịch Biên giới là: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; mở đường giao thông quan trọng với Trung Quốc và thế giới dân chủ, đại hậu phương của ta; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Chiến dịch này “chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”[1].
Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định giao cho Quân đội mở chiến dịch theo hướng biên giới thuộc Cao Bằng - Lạng Sơn. Lực lượng của ta được sử dụng trong chiến dịch gồm: Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 426 và Tiểu đoàn 428 của Liên khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 888 của tỉnh Lạng Sơn, 4 đại đội sơn pháo, 5 đại đội công binh. Ngoài ra, còn có sự phối hợp của các đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Ngày 7-7-1950, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh mở Chiến dịch Biên giới Cao - Lạng, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II[2]. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy và cơ quan chiến dịch được thành lập. Ngày 25-7, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư và các đồng chí Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Bùi Quang Tạo làm Ủy viên.
Tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung. Ảnh: TTXVN |
Chiến dịch Biên giới là chiến dịch lớn đầu tiên, có ý nghĩa chiến lược quan trọng được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra Mặt trận cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo trận đánh giành thắng lợi. Trong “Lời kêu gọi về chiến dịch Cao - Bắc - Lạng” ngày 2-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết thắng trận này. Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận ấy phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm; các chiến sĩ ở các khu, các mặt trận khác phải ra sức thi đua giết giặc lập công để hết sức tiêu diệt địch, kiềm chế địch, không cho chúng tiếp viện mặt trận Cao - Bắc- Lạng”[3]. Sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chiến dịch là nguồn cổ vũ động viên lớn, làm tăng thêm sức mạnh của toàn thể lực lượng tham gia chiến dịch.
Từ ngày 16 đến ngày 20-9-1950: Tiến hành trận đánh lớn then chốt tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê
Trận đánh lớn then chốt tiến công cụm cứ điểm Đông Khê[4] chia làm hai bước. Để đảm bảo đánh thắng trận đầu, tạo thế và thời cơ có lợi cho chiến dịch, Ban Chỉ huy Mặt trận Đông Khê, do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách, đã quyết định sử dụng lực lượng mạnh. Theo kế hoạch đã định, đêm 15-9-1950, các đơn vị đánh Đông Khê đã hành quân vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công.
5 giờ 30 phút ngày 16-9-1950, tuần tiễu của quân Pháp bất ngờ gặp bộ đội ta buộc quân ta phải nổ súng, chúng bỏ chạy về đồn. Đúng 6 giờ, Trung đoàn 174 nổ súng tiến công các đồn tiền tiêu của quân Pháp ở Phìa Khóa, Yên Ngựa, Cam Phầy. Đến 9 giờ bộ đội ta chiếm được đồn Yên Ngựa, 10 giờ 30 chiếm đồn Phìa Khóa. 18 giờ 45 phút, Trung đoàn 209 bắt đầu công kích, đến 21 giờ diệt được đồn Pò Đình.
Đêm 16-9-1950, các trung đoàn được lệnh tấn công vào trung tâm Đông Khê. Từ hai hướng Bắc - Nam và hướng Tây, các trung đoàn 174, 209 đồng thời công kích vào trung tâm thị trấn. Được pháo binh và súng cối yểm trợ, bộ binh ta dùng bộc phá mở hàng rào xung phong vào đồn. Quân Pháp chống trả quyết liệt, quân ta ba lần bổ sung quân và liên tiếp tiến công nhưng vẫn không thành công. Đến 4 giờ sáng ngày 17-9-1950, quân Pháp tập trung hỏa lực tiến hành phản kích đánh chiếm lại các vị trí đã mất và đẩy lùi bộ đội ta ra ngoài.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới hạ quyết tâm tiếp tục tiến công tiêu diệt Đông Khê. 17 giờ ngày 17-9-1950, sau khi củng cố lại lực lượng và rút kinh nghiệm, các đơn vị đồng loạt nổ súng mở đợt tiến công mới vào trung tâm Đông Khê. Nhiều vị trí của quân Pháp lần lượt bị chiếm. Lính Pháp đã bị thiệt hại gần nửa quân số, nhưng vẫn quyết cố thủ. Đến 4 giờ 30 phút ngày 18-9-1950, Trung đoàn 174 thọc sâu vào Sở Chỉ huy của địch, phối hợp với các mũi của Trung đoàn 209 đánh chiếm Đông Khê. 10 giờ ngày 18-9-1950, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ Đông Khê gồm khu vực đồn chính và 7 đồn nhỏ, diệt hơn 300 tên hầu hết là lính Âu - Phi, thu toàn bộ vũ khí, bắt sống Đại úy Đồn trưởng Alioux cùng một số sĩ quan, bắn rơi 1 máy bay.
Về phía ta, trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm như Trần Cừ, La Văn Cầu… và những tấm gương phục vụ chiến đấu của các chị dân công như: Đinh Thị Dậu, Triệu Thị Sóc… Trong điện gửi các chiến sĩ mặt trận Cao - Bắc - Lạng ngày 6-10-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Trong chiến dịch này, toàn thể bộ đội và nhân dân ta đã rất cố gắng, gây được thành tích khá, như giải phóng Đông Khê, bắt địch phải rút khỏi Cao Bằng”[5].
Phối hợp với hoạt động chính ở Đông Khê, trong các ngày 14, 15, và 16-9-1950, bộ đội địa phương, dân quân, công binh cùng nhân dân tổ chức phá hoại cầu, đường và đánh địch trên Quốc lộ 4 phía nam thị trấn Thất Khê, trên đoạn đường từ Lạng Sơn - Na Sầm. Ngày 17-9-1950, Tiểu đoàn 888 phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân phục kích địch ở Tha Lai, đánh địch trên đoạn đường từ Lạng Sơn - Thất Khê, tiêu diệt 120 tên địch, phá 2 xe ô tô.
Chiến thắng Đông Khê đã phá tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Đường số 4 của quân đội Pháp. Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập. Quân và dân ta bừng bừng khí thế tiến công tiêu diệt địch.
Từ ngày 21-9 đến ngày 9-10-1950: Tiến hành trận đánh lớn then chốt quyết định tiêu diệt Binh đoàn Lepage và Binh đoàn Charton
Choáng váng trước tin Đông Khê thất thủ, ngày 18-9-1950, Tổng chỉ huy Carpentier vội vã rời Sài Gòn ra Hà Nội rồi lên Lạng Sơn. Carpentier ra quyết định rút quân khỏi Cao Bằng. Kế hoạch rút quân khỏi Cao Bằng mang tên Thérèse kết hợp với: Thứ nhất, là cuộc hành binh Tizgnit do Trung tá Lepage thực hiện, có nhiệm vụ đưa quân từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê để làm bàn đạp đón cánh quân từ Cao Bằng rút về. Thứ hai, là cuộc hành quân Orage do Trung tá Charton chỉ huy có nhiệm vụ rút khỏi Cao Bằng, đưa quân về phía Đông Khê, rồi cùng rút với cánh quân lên đón.
Phối hợp với Kế hoạch Thérèse, Carpentier còn quyết định mở cuộc hành quân Phoque đánh lên Thái Nguyên để kéo chủ lực của ta về đó, hòng đỡ đòn cho biên giới và trấn an dư luận trước việc Đông Khê thất thủ và phải rút quân khỏi Cao Bằng.
Nhằm tăng cường lực lượng phòng thủ cho Thất Khê và Cao Bằng, ngày 18-9-1950, quân Pháp điều binh đoàn cơ động Ma-rốc từ Lạng Sơn, Đồng Đăng đến Thất Khê. Ngày 20-9-1950, chúng dùng máy bay đưa Tiểu đoàn 3 Tabor từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, nâng quân số ở đây lên 3 tiểu đoàn. Đồng thời, quân Pháp thiết lập cầu hàng không Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội để chở gia đình sĩ quan, vợ con viên chức ngụy quyền, một số thương nhân lớn giàu có và các phương tiện quan trọng bắt đầu cho cuộc di tản có tính chất chiến lược.
Ngày 21-9-1950, sau khi nắm được tin quân Pháp tăng cường lực lượng cho Thất Khê, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê, khu vực quyết chiến là đoạn từ Đông Khê đến Lũng Phầy. Lực lượng tham gia đánh viện binh gồm Đại đoàn 308, hai trung đoàn 209 và 174. Các đơn vị đều được tăng cường pháo 75mm.
Mở đầu đợt hoạt động quân sự lớn của quân Pháp nhằm đối phó với ta là cuộc hành quân Phoque ngày 29-9-1950 do Đại tá Gambiez chỉ huy 6 tiểu đoàn đánh lên Thái Nguyên.
Ngay sau đó, đêm 30-9-1950 cánh quân của Lepage gồm 4 tiểu đoàn cũng bắt đầu tiến quân, thực hiện cuộc hành binh Ti-nhít. Do thiếu cảnh giới chu đáo, bộ đội ta không phát hiện được cuộc hành quân đêm của chúng. Đến trưa 1-10-1950, quân Pháp đã tới được Đông Khê và lệnh cho tiểu đoàn dù lê dương (1er BEP) tiến công luôn, nhưng bị Trung đoàn 209 của ta chặn đánh. Trong khi đó, Đại đoàn 308 cơ động tới Nà Mục, Chốc Ngà, tiến công bao vây và pháo kích vào đội hình địch. Lepage cho quân dừng lại để chờ viện binh.
Chiều 1-10-1950, được tin viện binh Pháp lên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ quân Pháp tiến lên Đông Khê; trọng điểm là từ Đông Khê - Keo Ái. Lực lượng tham gia trận đánh là các trung đoàn 209, 88, 102, 36 và Tiểu đoàn 11. Trong đó, Trung đoàn 102 làm lực lượng dự bị.
Ngày 2-10-1950, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tấn công Binh đoàn Lepage. Trung đoàn 88 diệt một đại đội lính Ma-rốc ở Nà Mục đánh bật quân địch ra khỏi Chốc Ngà. Trung đoàn 36 tập kích và Khâu Luông nhưng không thành công. Sáng 3-10-1950, Tiểu đoàn 88 và Tiểu đoàn 84 chiếm được một trong bốn mỏm của Khâu Luông. Bộ đội ta và quân Pháp tiếp tục tranh chấp Khâu Luông. Lepage không thể điều 2 tiểu đoàn đi đón binh đoàn của Charton. Trong khi đó, 0 giờ ngày 3-10-1950, Charton bắt đầu cho binh đoàn rút khỏi Cao Bằng. Lực lượng của chúng gồm có 3 trung đoàn lê dương (III/3e REI), Tiểu đoàn 3 Tabor, tiểu đoàn lính người Việt, 1 pháo 105mm, 15 xe vận tải và 500 dân thường. Trước khi rút, chúng đã phá hủy nhiều kho vũ khí và quân trang, quân dụng. Tối 3-10-1950, binh đoàn của Charton đến gần Nậm Nàng thì được lệnh bỏ đường số 4 đi vòng theo đường mòn Quang Liệt.
Ở phía Đông Khê, quân của Lepage bị chia cắt làm đôi, một nửa ở khu vực Khâu Luông - Nà Pá, một nửa ở khu vực điểm cao Xuân Hòa. Bị bộ đội ta đánh bám sát, quân Pháp thương vong nhiều, Lepage có ý định nhích dần lực lượng về khu vực Cốc Xá. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chủ trương tiêu diệt từng bộ phận quân địch.
Chiều ngày 5-10-1950, bốn tiểu đoàn của Lepage, phần lớn đã bị bộ đội ta đánh cho tơi tả, dồn về Cốc Xá. Còn binh đoàn của Charton thì đến 10 giờ sáng ngày 4-10-1950 mới về tới Nậm Nàng, sau đó cố tìm đường đi tắt qua rừng để về Quang Liệt trong tâm trạng hoang mang, chán nản lo sợ.
Trưa ngày 4-10-1950, Bộ Chỉ huy Chiến dịch được tin quân Pháp rút khỏi Cao Bằng đã hạ quyết tâm tiêu diệt binh đoàn Lepage trước khi binh đoàn Charton về đến nơi, đồng thời tích cực ngăn chặn, tiêu hao binh đoàn Charton, sau khi tiêu diệt binh đoàn Lepage sẽ tiêu diệt binh đoàn Charton. Các đơn vị chiến đấu của ta nhanh chóng vận động tiếp cận địch, vừa đi vừa tổ chức chiến đấu và đã nhanh chóng làm thành thế trận lớn trên khu vực phía Tây đường số 4 từ Quang Liệt đến gần Thất Khê. Đúng 17 giờ ngày 5-10-1950, ta bắt đầu tiến công Cốc Xá. Bốn tiểu đoàn 89, 90, 154, 11 từ ba hướng tiến công liên tục đến 6 giờ ngày 7-10-1950 thì tiêu diệt hết các lực lượng Binh đoàn Lepage, làm chủ khu vực Cốc Xá. Lepage và Bộ tham mưu của binh đoàn chạy thoát ra ngoài nhưng đến chiều ngày 8-10-1950 đã phải đầu hàng lực lượng vây quét của Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 36) ở Nà Cao. Sau 7 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 1 đến ngày 7-10-1950), bộ đội ta đã tiêu diệt binh đoàn Lepage gồm 1.200 tên vừa bị chết, bị thương, vừa bị bắt, trong đó có nhiều sĩ quan.
Đến chiều 6-10-1950, binh đoàn Charton đã bị tiêu hao một bộ phận, đang cố tiến về chiếm điểm cao 477 thì đến 8 giờ 30 ngày 7-10-1950, một số tàn quân của Lepage thoát vây đến điểm cao 477 nhập vào binh đoàn Charton làm cho chúng thêm hoang mang dao động và hết hy vọng ứng cứu phối hợp với quân của Lepage.
Từ 7 giờ ngày 7-10-1950, bộ đội ta bắt đánh vào điểm cao 477. Đến 12 giờ ta khép chặt vòng vây. Charton cho một bộ phận ra sức phản kích để nghi binh thu hút bộ đội ta, còn đại bộ phận lực lượng bí mật tháo chạy theo suối Quỳ Châu xuống Bản Ca. Tiểu đoàn 84 đã kịp thời ngăn chặn đánh bật địch trở lại. Tiếp đó một đại đội của Tiểu đoàn 18 đón lõng chặn đánh, quân Pháp hoảng loạn, cuối cùng tan vỡ. Đến 17 giờ ngày 7-10, toàn bộ binh đoàn Charton bị tiêu diệt và bị thương 677 tên, bị bắt sống 1.386 tên trong đó có cả Trung tá Charton, nhiều sĩ quan chỉ huy và cả Tỉnh trưởng Cao Bằng. Trong khi cả hai binh đoàn Lepage và Charton đang bị bộ đội bao vây tiêu diệt ở Cốc Xá và điểm cao 477 thì Bộ Chỉ huy Liên khu Biên giới cử De La Beaume chỉ huy 4 đại đội Âu Phi từ Thất Khê lên Lũng Phầy để yểm hộ và đón quân rút về. Đêm 7-10, De La Beaume đưa quân đến hai điểm cao 703, 608 và đưa pháo lên chiếm lĩnh ở Bông Lau.
Sáng 8-10, quân Pháp tiếp tục hành quân thì bị các tiểu đoàn 322, 88 của ta chặn đánh. De La Beaume vội vã rút chạy về Thất Khê. Đến đây kế hoạch Thérèse hoàn toàn thất bại.
Như vậy trong hai đợt chiến dịch, bộ đội ta liên tục tiến công bao vây tiêu diệt quân Pháp trong suốt 8 ngày đêm, tiêu diệt gọn 7 tiểu đoàn thuộc 2 binh đoàn Lepage và Charton, bắt sống toàn bộ cơ quan chỉ huy của 2 binh đoàn, diệt một bộ phận lực lượng của De La Beaume. Trong khi đó ở phía Nam Thất Khê, phối hợp với hướng chính, quân và dân ta đã phá hoại nặng đoạn đường Lũng Vài - Bố Củng, phá 6 cầu, đào hơn 40.000m3 đường, cắt 10 km dây điện thoại, diệt đồn Nà Leng, Nà Cạn và đánh phá các đồn khác. Những thắng lợi to lớn trên đây đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược trong cuộc đọ sức giữa ta và địch.
Từ ngày 9 đến ngày 14-10-1950: Tiếp tục truy kích địch giải phóng Thất Khê - Na Sầm và kết thúc chiến dịch
Việc hai binh đoàn Lepage và Charton bị tiêu diệt, cộng thêm sai lầm của việc tiến công lên Thái Nguyên, có nguy cơ sụp đổ toàn bộ Liên khu Biên giới đã gây nên nỗi kinh hoàng cho binh lính cũng như Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Viễn Đông. Để tăng cường lực lượng cho Thất Khê, thực dân Pháp tăng thêm Tiểu đoàn dù 3, đưa tổng số lực lượng tại đây lên 3 tiểu đoàn, nhưng tinh thần binh lính hoang mang đến cực độ, luôn đòi rút khỏi Thất Khê.
Theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đêm 8-10-1950, bộ đội ta diệt đồn Bản Trại, đêm 9-10-1950, đánh sập cầu Bản Trại. Ngày 10-10-1950, bộ đội ta tập trung lực lượng bao vây Thất Khê.
Thấy không thể đứng vững, Bộ Chỉ huy Liên khu Biên giới ra lệnh cho quân Pháp ở phân khu Thất Khê rút lui. 21 giờ ngày 10-10-1950, trong lúc bộ đội ta còn đang cơ động chưa kịp bao vây thì quân Pháp đã bắt đầu rút lui. Địch bị ùn lại ở Bản Trại do cầu đã bị phá, phải mất 6 giờ mới rút hết quân qua sông Kỳ Cùng. Bộ đội ta bỏ lỡ cơ hội diệt địch đang hỗn loạn tháo chạy. Các tiểu đoàn 426 và 428 chặn địch ở Hát Con, Đèo Khách đã chủ quan để các tiểu đoàn đi trước của chúng chạy thoát.
Khi phát hiện quân Pháp rút lui, bộ đội ta mới đuổi đánh nên chỉ đánh tan Tiểu đoàn dù số 3 đi sau cùng. Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh cho bộ đội tiếp tục truy kích, thừa thắng bao vây tiêu diệt địch ở Na Sầm. Ngày 14-101950, ta chưa kịp đến thì địch ở Na Sầm đã tháo chạy, sau đó chúng còn tiếp tục rút các vị trí lẻ trên đường Na Sầm - Đồng Đăng. Tình hình ở biên giới lúc này đã biến chuyển quá nhanh, ngoài dự kiến của ta. Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã lệnh cho các tiểu đoàn 426, 428 và 888 hoạt động trên đường Đồng Đăng - Lạng Sơn - Lộc Bình và điều Trung đoàn 98 đến hoạt động ở đoạn đường từ Lạng Sơn - Tiên Yên, nhưng Trung đoàn 98 đã không về kịp. Tuy các đơn vị còn lại tiếp tục truy lùng diệt tàn binh địch, nhưng về cơ bản, chiến dịch đã kết thúc vào 14-10-1950. Như vậy, sau 29 ngày đêm chiến đấu, Chiến dịch Biên giới đã kết thúc thắng lợi.
Chiến dịch Biên giới có ý nghĩa rất to lớn và toàn diện. Đây là lần đầu tiên bộ đội ta tập trung một binh lực quan trọng mở chiến dịch quy mô lớn, giành được quyền chủ động từ đầu đến cuối chiến dịch và đã giành toàn thắng. Chiến dịch Biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Sau 4 năm liên tục kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã giành một thắng lợi vang dội trên chiến trường, đập vỡ một hệ thống phòng thủ của địch, tiêu diệt các cụm cứ điểm lớn, diệt gọn hai binh đoàn thiện chiến của địch, giải phóng một khu vực đất đai rộng lớn và có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Thành quả của Chiến dịch Biên giới 1950 đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp thiết của chiến lược, đã làm cho tình huống chiến tranh chuyển sang một thời kỳ mới. Nếu như Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947 đã mở đầu cho giai đoạn cầm cự thì với Chiến thắng Biên giới năm 1950, hình thái phản công cục bộ của cuộc kháng chiến đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, thắng lợi to lớn của Chiến dịch Biên giới là một bước phát triển nhảy vọt về chất của quân và dân ta. Qua thực tiễn chiến đấu đã chứng tỏ sự trưởng thành của Quân đội ta về chỉ đạo, chỉ huy, xây dựng, tác chiến và khả năng từ đánh phân tán nhỏ lẻ tiến lên đánh tập trung, hiệp đồng binh đoàn lớn.
Nguồn Sưu tầm
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (28/07/2023)