


Đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động cách mạng từ khi mới 14 tuổi và trải qua tất cả các thời kỳ cam go và oanh liệt của cách mạng nước ta trong suốt thế kỷ XX.
Hai lần bị quân thù bắt (năm 1930 và 1941) và bị tù đầy 10 năm nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, nhưng ra tù, đồng chí lại lao vào hoạt động và luôn xuất hiện ở những địa bàn và thời điểm khó khăn nhất của cách mạng nước ta.
Năm 1936, sau khi ra tù lần thứ nhất, đồng chí đã đến Hải Phòng với nhiệm vụ tái lập Thành ủy Hải Phòng. Năm 1939, khi Đảng bộ Trung kỳ bị địch phá vỡ, đồng chí lại được Trung ương điều về miền Trung tham gia thành lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh và lại bị đầy đi Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được điều về hoạt động ở miền Nam.
Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh tư liệu |
Năm 1957, khi đồng chí Lê Duẩn ra Bắc nhận trọng trách mới, với trách nhiệm là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ năm 1961 là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, “đồng chí đã chủ trì và cùng các đồng chí khác lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam ở vào thời điểm gay go nhất và cũng oanh liệt nhất, ghi lại những dấu ấn không phai mờ về cuộc đồng khởi và cuộc kháng chiến chống xâm lược”. (*) Đồng chí đã góp phần tổ chức Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam (1959), xây dựng Mặt trận dân tộc giải phóng (1960), thành lập Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và làm chính ủy Quân giải phóng (1961), chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chính trị để Đảng ta phát động và giới hạn cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, tạo nên chuyển biến có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng miền Nam trong điều kiện tình hình quốc tế hết sức phức tạp lúc đó.
Kiên cường bám trụ ở miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ để góp phần lãnh đạo quân và dân ta đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của kẻ thù, đồng chí đã thể hiện rõ tài năng và sự sáng tạo trong tổ chức chỉ đạo thực tiễn, quyết tâm hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.
Tổ quốc thống nhất, ba lần trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, ổn định xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố đông dân nhất nước sau hàng trăm năm dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Cũng chính ở đây, một lần nữa, “Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí lại có những đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước” (*) góp phần mở ra thời kỳ đổi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Từ năm 1986, với trọng trách Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo của Đảng ta “nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn kéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống nhân dân”.
Trong hoàn cảnh nền kinh tế của đất nước sa sút, lạm phát lên tới 3 con số, trước sự bao vây cấm vận của kẻ thù, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới gặp khủng hoảng nghiêm trọng, niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ suy giảm, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo của Đảng chỉ đạo giành nhiều thắng lợi, từng bước đưa đất nước vượt qua hiểm nghèo khủng hoảng kinh tế xã hội, cùng ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, “mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của nước Việt Nam trên trường quốc tế” . Thành tựu trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới đã không chỉ khẳng định sự đúng đắn mà còn củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành công đó còn là sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng ta vạch ra cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và chiến lược ổn định và phát triển kinh tế đến năm 2000 được thông qua ở Đại hội VII, tạo những điều kiện cơ bản cho cách mạng nước ta tiến lên sau này. Đó là thắng lợi của tư duy khoa học và năng lực tổ chức thực hiện sáng tạo mà còn thể hiện vai trò tiền phong và trách nhiệm cao cả của những người cộng sản Việt Nam trước dân tộc mà đồng chí Nguyễn Văn Linh là người tiêu biểu.
Hiến dâng cuộc đời cho lý tưởng cách mạng của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên cường, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; góp phần hoạch định và chịu trách nhiệm cao nhất trong triển khai tổ chức thực thi đường lối đổi mới của Đảng, cùng với việc xác định đúng đắn bước đi nhằm ổn định kinh tế-xã hội, đồng chí đã cùng Ban chấp hành Trung ương xác định các nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới ở nước ta. Đó là đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu và phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; đổi mới toàn diện, đặt trọng tâm vào kinh tế, việc đổi mới chính trị phải tích cực nhưng vững chắc, không gây ra mất ổn định; phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực và phải tiếp tục gương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Trước nguy cơ tan rã của hệ thống XHCN với sự xuất hiện và khuynh đảo của chủ nghĩa đa nguyên, xác định rõ “Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội ta là một tất yếu khách quan” là “sự giao phó lịch sử thông qua sự sàng lọc nghiêm khắc”(1), đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ rõ rằng “Trong điều kiện Việt Nam, hiện nay cũng như trong tương lai, không có sự cần thiết khách quan nào để tạo dựng nên các đảng phái đối lập… Một chế độ dân chủ chân chính không phải được quyết định ở chỗ có một hay nhiều đảng. Vấn đề là ở chỗ nền dân chủ hình thức hay có thực chất, dân chủ cho một thiểu số hay đa số nhân dân; nắm vững chân lý sơ đẳng này có ý nghĩa nguyên tắc để không bị tuyên truyền về dân chủ tư sản mê hoặc và lừa mị chúng ta”.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trả lời phỏng vấn báo chí tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. Ảnh tư liệu. |
Trong thời kỳ đầu đổi mới, việc khẳng định những quan điểm có tính nguyên tắc trên đây có giá trị to lớn trong việc thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, giữ vững ổn định chính trị của đất nước, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng XHCN.
Để thực hiện nghiêm túc và thành công nghị quyết Đại hội VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn lưu ý Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy thiếu sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài. Đảng phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Phát biểu tại lớp nghiên cứu Nghị quyết VI (5-1987), đồng chí cho rằng, để không mắc tiếp các sai lầm, chúng ta phải đổi mới tư duy và phong cách. Theo đồng chí, “có thật sự đổi mới tư duy và phong cách mới hiểu được thực chất của hiện trạng, phân biệt rõ đúng sai, phát huy được nhân tố tiến bộ, gạt bỏ được những sai lầm. Từ đấy mở ra một trình độ mới trong việc nhận thức và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lê-nin, khơi dậy được tính chủ động, sáng tạo vô tận của nhân dân lao động, phát huy được tính ưu việt của CNXH để đưa đất nước tiến lên”.
Đồng chí cho rằng nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo đề xuất ra các sáng kiến mới, nói tới việc tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hành động… Điều này đòi hỏi phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm hời hợt trong nhận thức, chống cách suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều, chống việc tách rời giữa lý luận và thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh viết: “Muốn làm được việc này phải gắn lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao thống nhất với tri thức khoa học vững chắc, dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai hóa hoạt động, đi sâu, đi sát thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội làm mục đích, biết giải quyết mọi công việc trên cơ sở phát huy quyền làm chủ và tính chủ động của quần chúng nhân dân lao động”.
Hiểu rõ tầm quan trọng và vai trò tiên phong của lý luận, đồng chí Nguyễn Văn Linh xác định: Để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn. Đồng chí đề xuất trên cơ sở lý luận đúng đắn dẫn đường, tiến hành thiết kế các cơ chế quản lý cụ thể cũng như soạn thảo các chính sách, biện pháp phù hợp đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Thông qua phương pháp thử nghiệm xã hội ở những mô hình trong các ngành và các địa phương khác nhau, chọn lọc những nhân tố phù hợp với quy luật và được cuộc sống chấp nhận, sẽ ứng dụng triển khai trên quy mô đại trà. Đến đây tư duy mới đúng đắn được định hình trong cuộc sống, được thể chế hóa về mặt nhà nước, biến thành hành động thực tiễn hằng ngày của quần chúng… Đồng chí khẳng định: “Chỉ có lý luận nào vận động theo chu trình nghiêm ngặt đó mới có tương lai đầy hứa hẹn và làm đúng chức năng xã hội của nó”. Và cũng chỉ trên cơ sở tuân theo chu trình đó thì hoạt động thực tiễn mới thoát khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm, tự phát, bớt mò mẫm đường vòng và phải trả giá đắt… Đồng chí chỉ ra rằng, “từ nay về sau, việc đề ra các quyết định lớn của Đảng và Nhà nước phải kiên trì đi theo con đường đó. Yêu cầu của hoạt động tự giác và làm chủ quá trình vận động của xã hội không có sự lựa chọn nào khác. Đó là một vấn đề cốt tử trong công cuộc đổi mới tư duy và phong cách… Nôn nóng bỏ qua các bước quá độ cần thiết là một sai lầm không kém phần tai hại”.
Theo đồng chí, phương pháp tư duy đúng đắn không thừa nhận sự cường điệu hóa, nhấn mạnh mặt này coi nhẹ mặt kia như kế hoạch và thị trường tập trung và dân chủ trong hoạt động lý luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay, nhân danh đổi mới để phủ định những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và đề xuất những giải pháp không phân biệt nguyên tắc, xóa nhòa ranh giới có tính nguyên tắc giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí chỉ rõ muốn giành thắng lợi trong cuộc tiến công vào nhận thức, phong cách cũ, cần có đủ dũng khí cách mạng, hết sức kiên trì và nhất thiết phải tiến hành trên cơ sở khoa học. Thậm chí, trong cuộc đấu tranh này, còn cần phải có ý thức tự giác, vì những cái cũ vốn nằm ngay trong bản thân mỗi con người và chúng rất dễ khôi phục dưới hình thức có vẻ như mới. Cần phân biệt đâu là cái cần đổi mới, đâu là cái cần bồi đắp, nâng cao hơn. Đồng chí viết: “Nói đổi mới tư duy hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận và quan điểm đúng đắn của Đảng, phủ nhận những quy luật phổ biến của cách mạng XHCN, trái lại, cần tiếp tục hoàn chỉnh và phát triển thêm những thành tựu đó”.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ rõ: “Đổi mới tư duy, điều căn bản là phải đổi mới tư duy lý luận” và để nâng cao trình độ lý luận cần ra sức “học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, khai thác kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, quán triệt đường lối của Đảng qua nghiên cứu nghị quyết các đại hội và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, học những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cách mạng nước ta và tham khảo những thành tựu phát triển lý luận của các đảng anh em”.
Để Đảng xứng tầm với vai trò, vị trí của mình trong sự vận động của cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn đặt vấn đề Đảng ta phải không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình mà hàng đầu là phải hết sức coi trọng và đặt lên trước hết vấn đề soạn thảo chiến lược và sách lược của Đảng, đáp ứng đúng yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ để định hướng cho xã hội tiến lên. Đảng phải nâng cao tầm nhìn xa trông rộng, khả năng bắt mạch đúng nhu cầu hiện tại của cuộc sống và dự đoán có căn cứ khoa học sự vận động trong tương lai và chỉ có như vậy mới xác định trên thực tiễn vai trò tiên phong và vị trí lãnh đạo của mình. Để làm tốt điều này, theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, mặt khác phải tăng cường thâm nhập tổng kết thực tiễn và đặc biệt “phải huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân đặc biệt của các ngành khoa học xã hội, khoa học tư nhiên và khoa học kỹ thuật đóng góp cho sự nghiệp này”.
Để nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng, bên cạnh việc hoạch định đường lối chính sách đúng đắn, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh tới việc Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra theo dõi việc thực hiện các chủ trương chính sách đó; phải tập trung đầu tư công sức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ để thực thi đúng đắn công cuộc đổi mới, chuẩn bị tốt cho việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo và phải suy nghĩ nghiêm túc vấn đề quan hệ giữa Đảng với dân trong điều kiện Đảng cầm quyền nhằm đổi mới công tác vận động quần chúng cho phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh viết: “Sức mạnh, uy tín và chất lượng lãnh đạo của Đảng phụ thuộc một phần quyết định ở việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả dân chủ trong Đảng và trong xã hội” vì chỉ có đem lại dân chủ thực sự cho nhân dân và thông qua đó mới “phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của họ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chỉ ra những phương hướng chủ yếu và một loạt các công tác phát huy dân chủ trong xã hội nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng nhấn mạnh rằng: “Để thực hiện dân chủ hóa xã hội, trước hết phải dân chủ hóa trong Đảng. Từ Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến các tổ chức đảng cơ sở phải là tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện dân chủ. Mọi cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đều phải sống và làm việc theo pháp luật như mọi công dân bình thường, không có ngoại lệ”.
Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc lãnh đạo thúc đẩy quá trình dân chủ hóa XHCN ở nước ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp viết “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân “tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước”.
Những đóng góp về lý luận trên đây đồng thời cũng là một hệ thống phương pháp chỉ đạo thực tiễn mà đồng chí Nguyễn Văn Linh với trí tuệ sáng tạo và lập trường cộng sản kiên định đã để lại cho Đảng và dân tộc ta. Đó cũng là những bài học vô cùng quý giá và trong tình hình hiện nay vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta học tập nhằm tiếp nối thắng lợi của sự nghiệp đổi mới mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đã góp phần khởi xướng và lãnh đạo. Đảng ta ghi nhận rằng: “Chúng ta phải luôn ghi nhớ những bài học quý báu về lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh - giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong chính sách, luôn luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm với đồng bào, chiến sĩ”.
Gần 70 năm phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do - hạnh phúc của nhân dân, “đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục sự nhân dân, hy sinh cao cả vì lý tưởng cao cả của Đảng. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, sống trung thực thẳng thắn, chan hòa gần gũi với mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương hình thức”. Đảng và dân tộc ta đã tôn vinh đồng chí Nguyễn Văn Linh là “Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nguồn sưu tầm

-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (28/07/2023)