Dấu ấn trong chặng đường 80 năm của Quân đội ta - Bài 6: Bộ đội Cụ Hồ-kết tinh truyền thống, phẩm chất tốt đẹp và giá trị văn hóa độc đáo
Thành tựu và giá trị to lớn của quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam là danh hiệu, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ - vinh dự to lớn đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.
Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là giá trị văn hóa quân sự tiêu biểu, được xây đắp từ truyền thống yêu nước của dân tộc, từ sự giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tin tưởng, giúp đỡ của Nhân dân và những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Giá trị đó được kế thừa, phát triển qua đấu tranh cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, có sức lan tỏa cả bình diện khu vực và trên trường quốc tế.
Tên gọi Bộ đội Cụ Hồ xuất hiện từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khi về chiến khu Việt Bắc kháng chiến, bộ đội trú quân trong các bản làng, thôn xóm, cùng ăn, cùng ở với Nhân dân, dựa vào Nhân dân và hết lòng giúp đỡ nhân dân. Chính những hành động, việc làm, ứng xử, quan hệ của cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng này đã thuyết phục, làm nảy nở và phát triển những tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân với bộ đội. Đồng bào các dân tộc trìu mến gọi bộ đội là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình. Khi biết “Ông Ké”, “Ông Cụ” chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người gọi “Bộ đội Ông Ké” là Bộ đội Cụ Hồ. Tên gọi yêu quý đó truyền đi khắp nơi và trở thành quen thuộc[1].
Bác Hồ với Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng, Phú Thọ. Ảnh tư liệu |
Tháng 11-1955, trong một bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nghe nói bộ đội ta rất trong sạch, một ông Hoa kiều muốn thử xem có thật như thế chăng. Mỗi khi các chiến sĩ đến mua gì, ông ta cứ thoái thừa tiền. Mấy lần như vậy, lần nào các chiến sĩ cũng đưa trả số tiền thừa lại cho ông ta. Sau đó, tự ông ta đi tuyên truyền khắp phố: “Bộ đội Cụ Hồ liêm chính thật”[2].
Hiếm có ở đâu trên thế giới, nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình để đặt cho quân đội như Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân gọi bộ đội là Bộ đội Cụ Hồ vì các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội trải qua 80 năm đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người, hình ảnh người chiến sĩ trở thành một mẫu hình cao đẹp, bình dị của con người mới với lý tưởng, đạo đức cao thượng, trong sáng, thực hiện xuất sắc chỉ thị, niềm tin và những lời căn dặn đầy yêu thương của Bác Hồ. Sâu xa hơn, nhân dân gọi Bộ đội Cụ Hồ vì “Cụ Hồ” còn thể hiện sự kính trọng mà nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tiêu biểu cho ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, người tổ chức và dẫn dắt Nhân dân Việt Nam đứng lên tự giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhân dân gọi Bộ đội Cụ Hồ còn là từ quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa Người với Quân đội, với cán bộ, chiến sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cha thân yêu của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, người khai sinh ra Quân đội. Mỗi bước tiến bộ, trưởng thành, mỗi chiến công của Quân đội nhân dân đều gắn liền với sự giáo dục, rèn luyện của Người... Nét đẹp hiếm có trong tình cảm, đạo đức của Người là sự gần gũi, yêu thương, tin tưởng vào bộ đội; thấu hiểu, cảm thông và xúc động trước sức chịu đựng gian khổ, khó khăn, hy sinh của chiến sĩ... Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể cán bộ chiến sĩ quân đội. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một mẫu hình về con người Việt Nam mới, người quân nhân cách mạng của một quân đội anh hùng, của dân tộc anh hùng.
Mô hình tôn vinh biểu tượng Quyết chiến Quyết thắng gắn liền với những chiến công hiển hách của Bộ đội Cụ Hồ (Ảnh chụp tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/ 7-5-2024). Ảnh: TUẤN HUY |
Danh hiệu, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với bản chất cách mạng ở quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội. Bộ đội Cụ Hồ còn là sự hòa quyện truyền thống và hiện đại, là sự phát triển bản sắc, tâm hồn, cốt cách văn hóa Việt Nam.
Qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được bồi đắp, củng cố, tỏa sáng với những đặc trưng cơ bản sau: Một là, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Luôn có ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hai là, đạo đức cách mạng trong sáng, trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lạc quan; nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không thỏa mãn với thành tích, không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy. Ba là, tích cực huấn luyện, học tập nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn; có phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao; gương mẫu trong công tác, sinh hoạt; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và mọi biểu hiện sai trái, thói hư, tật xấu. Bốn là, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý. Kỷ luật tự giác, nghiêm minh, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội. Năm là, chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt; gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Có tinh thần đoàn kết quốc tế, mở rộng và tăng cường đối ngoại quốc phòng góp phần tích cực bảo vệ nền hòa bình thế giới[3].
Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ ra đời, được tôi luyện và khẳng định giá trị qua các cuộc kháng chiến, trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội đã kế thừa, phát huy giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa con người Việt Nam và những biểu tượng cao đẹp, giá trị văn hóa độc đáo Bộ đội Cụ Hồ trong bối cảnh mới. Giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, niềm vinh dự, tự hào, là động lực mạnh mẽ, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ quân đội không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). |
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị trong toàn quân quan tâm, chú trọng. Ngày 12-8-2019, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị số 855-CT/QUTW “Về phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới”. Tháng 9-2020, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ với các chuẩn mực mới[4]. Ngày 28-12-2021, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 847-NQ/QUTW “Về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ tiếp tục thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; tích cực tham gia các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng địa bàn an toàn, xây dựng hệ thống chính trị và đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới, hải đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường “thế trận lòng dân”, tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân. Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đối ngoại quốc phòng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn Sưu tầm
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (16/08/2023)
-
Ngày ban hành: (28/07/2023)